Có những biện pháp nào để phòng bệnh sốt xuất huyết

Phòng bệnh sốt xuất huyết đang là ưu tiên hàng đầu hiện nay trong những tháng cao điểm mà dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ với tốc độ lây lan nhanh chóng trong cộng động. Theo nhận định của Bộ Y tế vào những tháng cao điểm nóng ẩm, mưa nhiều như hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển mạnh mẽ nên tình hình dịch bệnh sẽ tăng cao đáng kể hơn. Do đó, ngay từ bây giờ hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách phòng bệnh sốt xuất huyết. Vậy có những biện pháp hiệu quả nào?

 

1. Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

 

Trước khi đi tìm hiểu các cách phòng bệnh sốt xuất huyết, trước tiên cần phải nắm rõ những nguy hiểm mà bệnh gây ra là gì?Không giống việc cảm, sốt thông thường, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra vì thế sốt xuất huyết rất nguy hiểm, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạnh nếu không có hướng điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và khó lường. Ở thể nhẹ, bệnh bắt đầu với triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4 – 7 ngày nhưng người người bệnh sẽ sốt rất cao kèm theo buồn nôn, phát ban đỏ, đau khớp, cơ. Ở thể trung bình, sốt xuất huyết có tất cả các dấu hiệu của thể nhẹ nhưng sẽ kèm thêm chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Ở thể nặng nhất, có tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp) và có tỷ lệ tử vong cao.


Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm

Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra có 4 típ bệnh khác nhau lần lượt là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Biến chứng của sốt xuất huyết sẽ bao gồm:

– Suy tim, suy thận

– Tụt huyết áp và đau đầu

– Sốc do mất máu

– Xuất huyết não

– Tràn dịch màng phổi

– Suy đa tạng

– Hôn mê

– Các biến chứng về mắt

 

2. Phòng bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

 

Hiện tại bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo những cách phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:

 

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết quanh nhà

 

Công tác phòng bệnh sốt xuất huyết trước tiên cần đảm bảo một nơi ở sạch sẽ bằng cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy:

– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

– Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

-Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

– Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

– Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.


Phòng bệnh sốt xuất huyết

 

Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách phòng chống muỗi đốt

 

Muối là tác nhân chính lây truyền virus Dengue sang cơ thể người, vậy nên tiếp theo hãy phòng bệnh sốt xuất huyết cho gia đình bằng cách phòng chống muỗi đốt đặc biệt là loại muỗi vằn

– Mặc quần áo dài tay.

– Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

– Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

– Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

– Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.​

Phòng chống muỗi

Sốt xuất huyết có thể nói là một dịch bệnh rất nguy hiểm và mỗi năm đều xuất hiện một lần. Do đó, mỗi gia đình hãy chủ động hơn trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ Y tế